Tin tức

NGUYÊN NHÂN TRUNG QUỐC NGỪNG NHẬP SẦU RIÊNG TỪ MỘT SỐ VÙNG TRỒNG VIỆT NAM

Quyết định của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh sầu riêng Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh với sầu riêng Malaysia, khi nước này vừa lần đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sầu riêng tươi vào đất nước tỷ dân…

Theo tin từ tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, trong thư gửi nhà chức trách Việt Nam ngày 11/6, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cho biết sẽ cấm nhập khẩu sầu riêng từ 18 vùng trồng và 15 cơ sở đóng gói của Việt Nam do phát hiện tồn dư “kim loại nặng” vượt mức cho phép.

Cơ quan này cho biết quyết định trên được đưa ra dựa trên quy định pháp luật Trung Quốc, các thỏa thuận song phương và mục tiêu giảm thiểu thiệt hại cho hoạt động thương mại sầu riêng.

Theo các nhà phân tích, nhu cầu nhập khẩu lớn từ Trung Quốc – thị trường sầu riêng lớn nhất thế giới – thời gian qua đã giúp thị phần sầu riêng Việt Nam ở nước này tăng lên nhanh chóng, nhưng đây cũng có thể là nguyên nhân khiến nhiều nông dân chạy theo số lượng và bỏ qua chất lượng.

“Về lâu dài, lượng xuất khẩu tăng lên đột ngột nhưng lại không có sự kiểm soát chất lượng có thể làm ảnh hưởng tới danh tiếng của sầu riêng Việt Nam”, ông Nguyễn Thanh Tùng, nhà khoa học chính trị tại Đại học Fulbright Việt Nam, nhận xét.

Việt Nam lần đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc năm 2021 và trở thành đối tác cung cấp sầu riêng lớn thứ 2 của nước này, chỉ sau Thái Lan.

Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan Trung Quốc, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng. Trong đó, thị phần tính theo USD của Thái Lan giảm từ gần 100% năm 2021 xuống còn khoảng 68%.

5 tháng đầu năm nay, Thái Lan xuất khẩu 2,2 tỷ USD sầu riêng vào Trung Quốc, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào Trung Quốc tăng 61% lên 661,48 triệu USD.

Sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam được cho là nguyên nhân đẩy giá mặt hàng này tại Trung Quốc giảm xuống. Tại đất nước tỷ dân, sầu riêng được xem là “trái cây vua”, được dùng làm quá tặng trong các dịp đặc biệt như lễ cưới.

Trong thư nói trên, cơ quan hải quan Trung Quốc yêu cầu nhà chức trách Việt Nam tìm hiểu sai phạm của các đơn vị bị dừng nhập sầu riêng, đồng thời xử lý vấn đề và có biện pháp ngăn chặn tình trạng tái diễn.  

Về phía Việt Nam, năm ngoái, một quan chức Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cảnh báo về tình trạng dư thừa nguồn cung và các vấn đề liên quan tới chất lượng. Sầu riêng được trồng tại một số vùng có thổ nhưỡng không phù hợp dẫn tới chất lượng kém, làm ảnh hưởng tới thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

Tính tới tháng 4, giá nhập khẩu sầu riêng Thái Lan vào Trung Quốc là 5,8 USD/kg, trong khi giá sầu riêng Việt Nam là 4,22 USD/kg.

Quyết định trên của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh sầu riêng Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh với sầu riêng Malaysia, khi nước này vừa lần đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sầu riêng tươi vào đất nước tỷ dân. Một số nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu sầu riêng từ một số vùng trồng của Việt Nam có thể là cơ hội lớn cho Malaysia.

Theo tờ báo Bernama của Malaysia, thỏa thuận mua bán sầu riêng tươi giữa Malaysia và Trung Quốc tuần trước sẽ mang lại lợi ích cho 63.000 nông dân Malaysia. Trước đó, Trung Quốc cho phép nhập khẩu bột sầu riêng Malaysia vào năm 2011 và sầu riêng đông lạnh vào năm 2018.

“Nông dân Malaysia có thể đáp ứng các tiêu chuẩn về hàng nhập khẩu của Trung Quốc thông qua các quy định về nông nghiệp tốt hơn, từ đó mang lại sản phẩm chất lượng cao hơn”, cố vấn Lim Chin Khee tại Viện Sầu riêng – một tổ chức hỗ trợ đào tạo cho nông dân Malaysia – cho biết.

Theo một số nhà phân tích, cạnh tranh từ Malaysia có thể khiến nông dân trồng sầu riêng Việt Nam phải chú ý hơn tới chất lượng, thay vì số lượng.

Trong thư ngày 11/6, các quan chức hải quan Trung Quốc nhấn mạnh rằng vẫn mong muốn đẩy mạnh nhập khẩu nông sản từ Việt Nam.

“Phía Trung Quốc muốn tăng cường đối thoại và hợp tác với Việt Nam nhằm cùng giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan tới hoạt động nhập khẩu trái cây vào Trung Quốc và bảo vệ hoạt động giao thương giữa hai quốc gia”, bức thư có đoạn viết.

Trích nguồn từ “VNECONOMY”

Tin tức mới nhất